TTTĐ - Sau khi Công ty CP Gami Hội An gửi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đề nghị di dời cửa hàng xăng dầu Thanh Nam do lo sợ rủi ro về cháy nổ, phía chủ cửa hàng đã phản bác, khẳng định đây là đề nghị phi lý.

Ngày 17/3, liên quan đến Văn bản số 07 của Công ty CP Gami Hội An gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam về việc đề nghị di dời cửa hàng xăng dầu tư nhân Thanh Nam (67 Trần Quang Khải, TP Hội An) nằm cạnh dự án cầu bộ hành Gami Hội An, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Nhắn (chủ cửa hàng xăng dầu) để làm rõ thông tin cũng như bức xúc của gia đình trước đề nghị phi lý nói trên.

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nhắn cho biết gia đình không khỏi bức xúc và không hiểu nỗi trước những thông tin Công ty CP Gami Hội An có văn bản đề nghị di dời cửa hàng xăng dầu Thanh Nam với lý do về rủi ro an toàn cháy nổ đến người dân và du khách.

Theo ông Nhắn, vào năm 2002, gia đình có cho Chi nhánh Xăng dầu Quảng Nam thuê đất tại số 67 Trần Quang Khải, phường Cẩm Châu để kinh doanh xăng dầu.

Đến năm 2017, gia đình lấy lại đất do hết hợp đồng thuê và bắt đầu kinh doanh xăng dầu tư nhân. Kể từ đó đến nay, doanh nghiệp của gia đình hoạt động bình thường, tuân thủ mọi quy định của nhà nước về kinh doanh, an toàn lao động, hoạt động PCCC.

"Chúng tôi hoạt động về xăng dầu có giấy phép của Nhà nước, chuẩn bị mọi phương tiện, quy trình về PCCC và được lực lượng PCCC tỉnh kiểm tra theo định kỳ. Từ khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp không gây ra bất kỳ vụ cháy nổ hay hỏa hoạn nào cả, trong khi vị trí lại nằm sát bờ sông Thu Bồn.

Việc Công ty CP Gami Hội An đề nghị di dời cửa hàng xăng dầu của chúng tôi do đơn vị này đang thi công cầu bộ hành Gami Hội An và có lối đi nằm cạnh cửa hàng nên có thể gây khó dễ và muốn chúng tôi di dời là để có mặt bằng đẹp phục vụ cho công trình cầu bộ hành. Nếu đơn vị nào yêu cầu di dời, chúng tôi sẽ kiên quyết phản đối", ông Nhắn thẳng thắn.

Ông Nhắn đặt vấn đề về việc liệu chủ đầu tư cầu bộ hành này có "ỷ lại" việc mình có tiền rồi muốn làm gì thì làm", trong khi cửa hàng xăng dầu Thanh Nam đã hoạt động từ lâu và có trước dự án cầu bộ hành.

"Tại sao cây cầu này không đặt chỗ khác mà đặt đúng vị trí xuống cửa hàng xăng dầu của chúng tôi. Có thể doanh nghiệp thấy cửa hàng xăng dầu "án ngữ" vị trí đẹp dẫn lên cầu nên đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xem xét, yêu cầu di dời liệu có đúng theo quy định của pháp luật", ông Nhắn đặt vấn đề.

Theo ông Nhắn, việc chủ đầu tư cho triển khai dự án cầu bộ hành này có thể sẽ ảnh hưởng, gây tác động về lâu dài cho cảnh quan, môi trường khu vực dọc sông Thu Bồn. Ông nhắn đề nghị cơ quan Nhà nước cần xem xét lại việc bảo vệ cảnh quan và các đánh giá về tác động môi trường sau khi cầu này đi vào hoạt động.

Trước đó, vào ngày 15/2, Công ty CP Gami Hội An đã có Văn bản số 07 gửi UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Hội An, Đội Cánh sát PCCC Bắc Quảng Nam về việc đề nghị di dời cửa hàng xăng dầu Thanh Nam.

Công ty CP Gami Hội An cho rằng cửa hàng xăng dầu này hoạt động sẽ gây rủi ro cháy nổ cho người dân và du khách tham qua cầu bộ hành Gami Hội An khi tập trung đông. Công ty CP Gami Hội An cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét có phương án di dời cửa hàng xăng dầu Thanh Nam tới vị trí khác phù hợp.

Công ty CP Gami Hội An là chủ đầu tư dự án cầu bộ hành Gami Hội An bắc qua sông Thu Bồn (TP Hội An), với tổng vốn đầu tư hơn 54 tỷ đồng. Dự án này được triển khai thi công và vấp phải sự phản đối của người dân tại đường Huyền Trân Công Chúa (phường Cẩm Châu) do thi công cọc nhồi gây nứt nhà.

Dự án này sau đó bị Sở Giao thông vận tải đánh giá có nhiều điểm bất cập. Theo đó, quy mô công trình này có tuổi thọ thiết kế 100 năm; Vật liệu của kết cấu chịu lực chính bằng thép, tiết diện dầm hộp sử dụng nhiều vách ngăn với kích thước trong lòng quá nhỏ là chưa phù hợp.

Theo Sở Giao thông vận tải, trường hợp công trình không đảm bảo an toàn và mỹ quan, phải thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng liên quan về dừng khai thác; Nếu có nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa thì phải khắc phục ngay hoặc tháo dỡ.

Ngoài ra, Công ty CP Gami Hội An tự chịu kinh phí để cải tạo, di dời, tháo dỡ công trình cầu theo yêu cầu của Nhà nước khi công trình có nguy cơ không đảm bảo an toàn; Dự án hết thời hạn nhưng Nhà nước không có nhu cầu sử dụng tiếp cầu này; Xây dựng nâng cấp luồng đường thủy nội địa mà có ảnh hưởng đến cầu.

Nguồn : tuoitrethudo.com.vn