Mỗi năm cứ đến Tết Nguyên đán, làng nghề làm lồng đèn truyền thống vốn nổi tiếng của các nghệ nhân ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) lại tất bật để cung ứng ra thị trường hàng triệu chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu.

Nhắc đến Hội An, mọi người sẽ nghĩ ngay đến phố cổ với những chiếc đèn lồng lung linh sắc màu. Chính đèn lồng đã góp phần tạo nên thương hiệu, mang đến vẻ đẹp riêng cho nơi đây. Nghề làm đèn lồng Hội An đã hơn 400 năm tuổi và được vinh danh là 1 trong 9 làng nghề truyền thống tiêu biểu của Việt Nam

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, làng nghề đèn lồng truyền thống Hội An tấp nập, hối hả hơn hẳn so với không khí ảm đạm trong suốt 1 năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19

So với trước đây, năm nay nghề làm lồng đèn nói riêng, nhiều ngành nghề khác phục vụ du lịch ở Hội An nói chung bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, các cơ sở vẫn nỗ lực sản xuất để gìn giữ, quảng bá hình ảnh phố Hội đến bạn bè gần xa

Cơ sở sản xuất lồng đèn Hà Linh (phường Cẩm Châu) là 1 trong 2 nơi sản xuất lồng đèn kết hợp du lịch trải nghiệm làng nghề cho du khách lớn nhất ở phố Hội. Tết năm nay, cơ sở này xuất ra thị trường khoảng 10.000 lồng đèn các loại

Trước khi COVID-19 bùng phát, nơi đây sản xuất hàng triệu chiếc lồng đèn xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Singapore... Do tình hình dịch bệnh phức tạp, trong dịp Tết này, các loại lồng đèn được sản xuất để phục vụ nhu cầu trang trí nhà cửa, hàng quán và bán sỉ cho các cửa hàng lưu niệm, chủ yếu là thị trường trong nước

Việc chế tạo ra những chiếc lồng đèn với đủ màu sắc, hình dạng và kích thước của các nghệ nhân ở Hội An đã có từ nhiều thế kỉ qua. Đối với những lồng đèn đơn giản cần có sự cân đối ở hai đầu, còn các lồng đèn phức tạp cần có sự khéo léo cố định những vị trí lồi, lõm và phải đảm bảo tính hài hòa, các tỷ lệ của hình dạng phải thực hiện

Để làm một chiếc lồng đèn cần 2 khâu chính đó là làm khung và bọc vải. Tất cả đòi hỏi người thợ phải vô cùng cẩn thận, tinh tế, kỳ công và tập trung trong từng công đoạn

Tre làm lồng đèn phải là tre già ngâm với nước muối 10 ngày để chống mối mọt, sau đó phơi khô, vót mỏng tuỳ theo kích cỡ của từng loại đèn. Sau này, để phục vụ cho những sự kiện phải di chuyển nhiều, trưng ngoài trời cần sự chắc chắn… khung lồng đèn được làm bằng kim loại

Nếu như việc tạo khung lồng đèn thường do nam giới đảm nhiệm thì việc dán vải, trang trí (gắn móc treo, gắn chuôi đèn...) thường thuộc về phái nữ bởi công việc này đòi hỏi sự nhẹ nhàng, khéo léo cao

Sau khi dán xong, người thợ sẽ cắt tỉa và chỉnh lại các mép vải ở các cạnh khung. Sau đó, tùy theo hình dạng của lồng đèn mà bổ sung những công đoạn phụ để hoàn thiện sản phẩm như kết tua, làm móc treo, gắn chuôi và vẽ trang trí

Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, gấm có độ dai để khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong. Vì thế, chiếc đèn lồng khi hoàn thành nhìn rất mềm mại, nhưng lại chắc chắn, nhẹ nhàng nhưng rất lung linh...

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đèn lồng Hội An giờ có nhiều kích cỡ, hình dạng, màu sắc, mẫu mã từ đơn giản như hình tròn, hình lục giác, bát giác đến những mẫu phức tạp như hình mẫu 12 con giáp, đèn kéo quân,... Giá cả dao động từ vài nghìn đồng cho đến cả triệu đồng một cái

Đèn lồng ngày nay còn được các nghệ nhân sáng tạo để có thể xếp gọn: mở ra hoặc xếp lại thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa

Hiện, lồng đèn đang được khẩn trương vận chuyển đến các cửa hàng trong khắp cả nước kịp lên kệ phục vụ người dân trước dịp Tết Nguyên đán

Xem thêm : https://hoianaz.com/tin-tuc

Nguồn : kenh14.vn