Ông Lê Nhiên, 54 tuổi, phường Cẩm Châu, TP Hội An huấn luyện bốn con trâu phục vụ khách du lịch, cho thu nhập 300 triệu đồng một năm

Sáng mỗi ngày, ông Nhiên chạy xe máy đến bãi đất trống ở phường Cửa Đại, TP Hội An trông coi đàn trâu hơn 20 con gặm cỏ. Mỗi con trâu được ông đặt tên theo các quân cờ, gồm trâu xe, trâu pháo, trâu mã, trâu tượng...

"Chúng ăn no rồi tự tìm đến bờ sông uống nước và tới bóng cây nằm nghỉ", ông nói và cho hay lúc chưa có dịch Covid-19, ngày nào ông cũng dẫn trâu cho khách cưỡi, kéo xe chở tham quan. Tuy nhiên, đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh lâu lâu mới có một vài khách trong nước sử dụng dịch vụ nên đàn trâu được thả rông.

Ông Nhiên nuôi hơn 20 con trâu và lựa được bốn con phục vụ du khách, số còn lại nuôi để bán.

Nghề nuôi trâu phục vụ du khách đến với ông tình cờ. Năm 2005, ông nuôi một con trâu đực cày, kéo xe. Một hôm, ông dẫn trâu ra bờ sông tắm thì đoàn khách du lịch nước ngoài đi qua. Họ thích thú với hình ảnh người nông dân gần gũi với con trâu. Đoàn khách hàng chục người dừng lại xin ông Nhiên chụp ảnh lưu niệm.


Một số vị khách ngoại quốc xin lên cưỡi lên trâu, Nhưng ông đáp không được, vì trâu không quen người lạ, khách đến gần có thể bị húc.

Sau đó, một doanh nghiệp du lịch gặp ông và bàn kế hoạch huấn luyện trâu đáp ứng nhu cầu của du khách. Ông Nhiên bắt đầu nghiên cứu việc huấn luyện trâu cho người lạ cưỡi lên lưng, đến sờ mó chụp ảnh. Mỗi ngày, ông dẫn trâu đến nơi có du khách để làm quen và biết được đặc tính khách nước ngoài thường bôi kem chống nắng. Trâu không thích mùi này nên bỏ đi hoặc tỏ thái độ giận dữ.

Mỗi ngày trôi qua, ông dẫn trâu đến gặp khách thường xuyên và sau một tháng thì trâu quen mùi, cho khách cưỡi. "Khách đến sờ lên người, đầu trâu một cách thân thiện", ông nói và cho hay sau khi quen mùi kem chống nắng, trâu thích mùi này và thường chủ động lại gần khách để ngửi, dùng lưỡi liếm lên người.

Hành động trâu thể hiện khiến khách lo sợ, ông nhờ phiên dịch nói rằng "trâu rất hiền lành và thích mùi của bạn. "Nhiều vị khách nước ngoài rất cởi mở, họ đưa tay, chân cho trâu liếm mà không ngần ngại", ông Nhiên nói.

Ông Nhiên dẫn trâu đến làng rau Trà Quế - nơi công ty du lịch thường dẫn khách đến tham quan. Ông thông qua phiên dịch, hướng dẫn các vị khách khám phá tuor cưỡi trâu. "Ban đầu tôi nhận mỗi tháng 3 triệu đồng, sau đó tăng lên 10 triệu đồng", ông nói và cho biết đây số tiền lớn đối với một nông dân.

Tuor cưỡi trâu ngày càng hút khách, ông Nhiên không hưởng theo lương tháng mà mỗi lần khách lên cưỡi thu 25.000 đồng. Một con trâu phục vụ không kịp nên ông huấn luyện thêm 3 con.

Theo ông Nhiên, việc khó nhất khi nuôi trâu làm du lịch là phải biết chọn giống tốt để trâu có bề ngoài mạnh khỏe, thuần tính và dánh vẻ thanh thoát. Trâu hiền và khỏe thể hiện trên các chùm xoáy của lông ở thân hình. Xoáy ở trán giữa hai sừng trâu là tốt nhất. Trâu có xoáy ở đuôi là bỏ đi.

Ngoài ra, trâu tốt là trâu phải có hai tai sát cặp sừng, hai gót chân sau không chụm vào nhau. "Xoáy đầu thì bán, xoáy trán thì nuôi, xoáy đuôi thì xẻ thịt", ông đúc kết.

Khi trâu được 1,5 tuổi, ông Nhiên thường xuyên chăm sóc, cho ăn để tạo sự gần gũi. Mỗi ngày, người chủ ít nhất phải hai lần làm quen thì trâu mới dạn, không sợ người lạ. Kết hợp với phương pháp cổ truyền, ông cột dây vào chân trước kéo trâu tập đứng lên quỳ xuống. Đến khi trâu trâu 3 tuổi, ông lên cưỡi, tập cày bừa, đi, dừng, sang trái, sang phải...

Ông Nhiên lý giải, con trâu từ nhỏ đã được chủ dạy cách đi đứng. Khi con trâu đang đi mình hô bằng tiếng địa phương như "dờ", lập tức trâu đứng lại, hô "dí" rẽ trái, hô "quá" rẽ phải. Ngoài việc hô thì người chủ phải đứng bên cạnh dùng tay giật dây mũi trâu để điều khiển hướng của chúng đi theo ý muốn. Trước khi du khách leo lên lưng trâu, ông Nhiên sẽ chỉ dẫn cho khách thông qua các thông dịch viên.

"Nhiều lúc khách lên điều khiển trâu, giật dây mũi quá mạnh nên con trâu lao đầu chạy, khách cứ hô stop, stop, stop..., nhưng trâu đâu có biết tiếng Anh. Phải đến khi chủ ra lệnh thì trâu mới dừng", ông kể.

Trong 15 năm qua, ông Nhiên không để xảy ra bất cứ tình huống rủi ro nào với du khách. "Theo kinh nghiệm của tôi, trâu đực mà thấy một con trâu đực khác thì chạy lại nghênh chiến. Do vậy, trước khi cho khách lên cưỡi, tôi phải quan sát, không cho hai trâu đực đứng gần nhau", ông cho hay.

Ngần ấy thời gian huấn luyện trâu, ông Nhiên nói rằng hình ảnh mình và con trâu theo chân các du khách đi khắp thế giới trong các bức hình lưu niệm. Mỗi năm đàn trâu cho ông thu nhập hơn 300 triệu đồng. "Từ lúc bùng phát dịch Covid-19, khách nước ngoài không đến Hội An tham quan, nhưng tôi vẫn chăm sóc đàn trâu chờ hết dịch, du khách sẽ tiếp tục đến", ông chia sẻ.

Theo ông Nhiên, trâu là loại vật rất quý chủ. "Con trâu đực tôi nuôi hơn 15 năm, có những người ở miền Bắc vào hỏi mua giá 100 triệu đồng đưa về chọi trâu, nhưng tôi không bán. Lần khác một người mua đến hỏi mua, trâu đứng đó cảm nhận được có thể phải xa rời chủ, hai dòng nước mắt nó chảy ra. Thấy vậy, tôi đến thủ thỉ bên tai nó là không bán thì nó cọ đầu vào người tôi như đồng tình", ông kể.

Xem thêm : https://hoianaz.com/tin-tuc

Nguồn : vnexpress.net